Hơn 10 năm trước, trong một lần làm việc với Huyện Đoàn Xuân Trường (Nam Định), có một đoàn viên thanh niên địa phương cùng dự. Anh đến muộn, trên chiếc xe máy Wave Tàu; da đen sạm, áo quần lấm lem dầu mỡ, cả buổi chỉ ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng nở nụ cười […]
The post Người gắn tên mình với… rác appeared first on Tin Tức Nam Định 24h Mới Nhất.
Hơn 10 năm trước, trong một lần làm việc với Huyện Đoàn Xuân Trường (Nam Định), có một đoàn viên thanh niên địa phương cùng dự. Anh đến muộn, trên chiếc xe máy Wave Tàu; da đen sạm, áo quần lấm lem dầu mỡ, cả buổi chỉ ngồi lặng lẽ, thỉnh thoảng nở nụ cười hiền hậu. Anh được giới thiệu đang làm chủ một cơ sở sản xuất cơ khí ở địa phương.
Sau lần ấy tôi nhiều lần gặp lại anh, ấn tượng nhất là cách đây chưa lâu được “gặp” anh trên truyền hình khi đang tự tin sải bước bên cạnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để giới thiệu với Thủ tướng về mô hình “Công viên bãi rác” của mình…
“Công viên bãi rác” do Công ty TNHH Tân Thiên Phú (Xuân Trường, Nam Định) đầu tư xây dựng.
Trở lại chuyện hơn 10 năm trước, sau bữa cơm trưa ấy, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất cơ khí của Trần Kiều – tên người thanh niên. Đến nơi mới biết đó chính là nơi ở của gia đình anh, nằm sâu trong một con ngõ ở làng nghề cơ khí Kiên Lao, xã Xuân Tiến. Và, nơi sản xuất chính là cái sân cạnh nhà không lấy gì làm rộng rãi. Ở đó, dưới cái nóng hầm hập của mùa hè, Trần Kiều cùng cộng sự đang nhễ nhại lăn lê, trườn bò bên những đống sắt thép cùng những chiếc máy cắt, gọt, dập nặng nề, thô kệch. Nhưng nhìn sang khu thành phẩm thì thấy rất thích mắt, bởi chúng đều là những thứ rất hữu ích với đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: các loại máy băm phụ phẩm nông nghiệp, nghiền thức ăn chăn nuôi, hoặc đơn giản là chiếc “xe rùa” để vận chuyển vôi vữa. Trò chuyện mới hay Trần Kiều sinh năm 1977, trai làng nghề cơ khí Kiên Lao nổi tiếng, từng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội. Thay vì cầm hồ sơ đi khắp nơi xin việc như bao cử nhân, kỹ sư khác, sau khi tốt nghiệp Trần Kiều chọn hướng về quê lập nghiệp, huy động vốn thành lập công ty Tân Thiên Phú chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí nông cụ. Kết quả sau chuyến đi thực tế ấy của tôi là một bài báo nhỏ, viết về Trần Kiều – người yêu mến, gắn bó với nghề truyền thống của quê hương. Bởi, chuyện về anh khi ấy mới chỉ có vậy!
Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại Trần Kiều trong một bối cảnh khác và bắt đầu thấy ngạc nhiên về anh. Trước khi kể về lần gặp lại, xin được nói thêm về một vấn đề rất nổi cộm khi ấy (đến giờ vẫn chưa hết nổi cộm), đó là chuyện rác thải. Bây giờ xã nào ở Nam Định “chậm tiến” lắm thì cũng đã tổ chức được các đội thu gom rác rồi mang tập trung chôn lấp. Nhưng 15-20 năm trước, chuyện rác thải ở nông thôn của tỉnh thật khủng khiếp. Không được thu gom nên ra ngõ gặp rác; rác được vứt bừa bãi ở vệ đường, bờ đê hay lềnh phềnh, ngập ngụa trên kênh rạch, phủ đầy ở bãi tha ma. Khi việc thu gom, chôn lấp rác thải được áp dụng thì lại xuất hiện một bất cập mới: rác quá nhiều, diện tích đất chôn lấp thì có hạn, cứ vài năm bãi chôn lấp lại đầy, chính quyền các địa phương lại phải loay hoay tìm điểm chôn lấp mới trong khi, như đã thấy, biện pháp chôn lấp rác không xử lý triệt để được ô nhiễm. Cứ ở đâu có bãi chôn lấp ở đó có chuyện người dân kêu ca, phàn nàn, phản đối. Rồi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả nước triển khai (từ năm 2010). Mà đã là nông thôn mới thì không thể bẩn, không thể để rác ngập ngụa làng trên xóm dưới; đòi hỏi chính quyền phải có một giải pháp mạnh hơn cho việc xử lý rác thải…
Đó là lý do, vào thời điểm Chương trình bắt đầu được triển khai, UBND tỉnh Nam Định tổ chức một đoàn công tác rất đông, gồm lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, lãnh đạo 10 huyện, thành phố về xã Xuân Kiên (Xuân Trường), mục đích là để nghe lãnh đạo một DN ở huyện giới thiệu về dây chuyền máy nghiền rác do DN này chế tạo, nếu phù hợp, hiệu quả sẽ đầu tư, nhân rộng. Theo đoàn công tác, chúng tôi bất ngờ khi người đứng giới thiệu về chiếc máy nghiền chính là Trần Kiều! Hóa ra, mấy năm qua anh cùng cộng sự dành thời gian, tâm huyết, tiền bạc cho việc này. Có lẽ bị “ngợp” trước rất đông các vị lãnh đạo, có lẽ do quen làm hơn quen nói nên hôm ấy Trần Kiều giới thiệu không được lưu loát, nhận được không ít cái “chau mày”. Cả đoàn sau đó rời hội trường, kéo nhau ra cánh đồng của xã để trực tiếp tham quan chiếc máy vận hành. Trời nắng, giữa cánh đồng, lại thêm đường điện có vấn đề nên khi đó loay hoay một lúc, Trần Kiều và các cộng sự của mình mới khởi động được dây chuyền. Máy chạy, rác được đưa lên những chiếc băng chuyền. Băng chạy một lúc thì rác hữu cơ và rác thải rắn được tách riêng. Riêng phần rác thải rắn tiếp tục được đưa tới một thiết bị khác. Tại đây, chúng được nghiền nát ra rồi đổ xuống khu chôn lấp. Tóm lại rác vẫn còn đó, chưa được xử lý triệt để, mới chỉ giúp giảm khối lượng rác, tiết kiệm diện tích chôn lấp. Đoàn tham quan ra về trong tâm trạng thất vọng. Quả nhiên sau đó không thấy địa phương nào trong tỉnh lắp đặt dây chuyền nghiền rác này. Trần Kiều thất bại!
Khi thất bại người ta thường làm hai việc: bỏ cuộc hoặc tiếp tục “chiến đấu”. Dõi theo hành trình tiếp theo của Trần Kiều, chúng tôi được biết anh lặng lẽ chọn con đường thứ hai: tiếp tục đầu tư trí lực, tiền bạc nghiên cứu, sản xuất dây chuyền xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt – giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt được cho là triệt để hơn việc chôn lấp hoặc nghiền rác. Không có chuyên môn sâu, nên chúng tôi không hiểu Trần Kiều và các cộng sự đã áp dụng công nghệ, kỹ thuật gì để hoàn thiện sản phẩm lò đốt rác LOSIHO. Chỉ biết, để hoàn thành, thuyết phục được các cơ quan chức năng, chuyên môn từ tỉnh đến Trung ương “gật đầu” đóng dấu thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo sản phẩm phải đáp ứng, nhất là tiêu chuẩn về khí thải của lò đốt ra môi trường; rồi cấp cả bằng sở hữu trí tuệ, bản quyền… là việc không hề đơn giản. Chính vì vậy, khi hay tin đề tài nghiên cứu, sản xuất lò đốt rác thải sinh hoạt mang tên LOSIHO của Trần Kiều được Bộ KH-CN, Trung ương Đoàn tặng giải “Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam”, nhiều người, từ các nhà quản lý đến những người quen biết Trần Kiều đều rất mừng cho anh. Mừng hơn cả là sau đó rất nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Định đã lựa chọn lò đốt rác LOSIHO để lắp đặt cho khu xử lý rác thải của địa phương mình; mở đường cho doanh nghiệp của Trần Kiều hồi sinh, phát triển…
Nhớ hôm huyện Hải Hậu tổ chức lễ đón chuẩn Huyện nông thôn mới (một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn), thấy Trần Kiều ngồi ở ghế đại biểu khách mời. Cũng phải thôi, mấy chục chiếc lò đốt rác của Tân Thiên Phú đang ngày ngày giúp 35 xã, thị trấn trong huyện xử lý một lượng rác thải khổng lồ, giúp cho các làng quê, xứ đạo trong huyện trở nên sạch đẹp. Nói về việc lựa chọn sản phẩm lò đốt của Tân Thiên Phú, ông Phạm Văn Chiến, khi đó là Chủ tịch UBND huyện chia sẻ rằng, sản phẩm lò đốt rác giờ không thiếu, cả hàng nội và hàng ngoại. Tuy nhiên, để lắp đặt một dây chuyền lò đốt nhập về từ Nhật Bản hoặc Thái Lan, mỗi xã phải bỏ ra từ 3-4 tỷ đồng, ngân sách không kham nổi. Việc Hải Hậu cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh Nam Định lựa chọn sản phẩm lò đốt rác của Tân Thiên Phú, thứ nhất, vì qua hoạt động thực tế sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả trong khi giá thành lắp đặt khá “dễ chịu”, chỉ khoảng 600-700 triệu/ máy; thứ hai, còn là cách các địa phương trong tỉnh thể hiện sự trân trọng, ủng hộ sản phẩm do công sức, trí tuệ của chính con em Nam Định làm ra…
Không dừng ở đó, cách đây mấy năm, Trần Kiều thêm một lần nữa “đóng đinh” tên mình gắn liền với rác; thêm một lần gây ngạc nhiên với chính quyền, người dân địa phương và báo chí khi bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng đầu tư, biến khu bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm nặng trong nhiều năm của thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) thành một khu xử lý, đốt rác thải nhưng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên. Từ đó đến nay, “bãi rác” này trở thành địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân địa phương, nơi trẻ em đến để chạy nhảy trên thảm cỏ, thanh niên đến chơi thể thao, tập thể hình, người già ngồi nghỉ ngơi trên ghế đá, dưới tán cây xanh. Một trong những niềm vui Trần Kiều và cộng sự được nhận lại là ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp về tham quan “bãi rác” này, dành cho anh cùng cộng sự nhiều lời khen ngợi, động viên về sự tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường…
Rác, nghe đến nhiều người đã muốn tránh xa. Trần Kiều và các cộng sự của mình, như đã thấy, không thế. Và, họ thành công, thành danh từ đó!
THeo (daidoanket.vn)
The post Người gắn tên mình với… rác appeared first on Tin Tức Nam Định 24h Mới Nhất.